Máy monitor là gì?
Máy monitor là thiết bị được sử dụng để theo dõi người bệnh ở khoa cấp cứu, gây mê hồi sức và chăm sóc đặc biệt. Máy có công dụng đo, phân tích, theo dõi nhiều chỉ số sinh tồn của người bệnh như: nhịp tim, huyết áp, nhiệt độ, nồng độ oxy bão hòa trong máu (SpO2), độ bão hòa oxy trong máu, nhịp hô hấp…
Trên máy có các thông số và hệ thống cảnh báo, giúp bác sĩ theo dõi chính xác tình trạng của người bệnh và áp dụng phương pháp điều trị phù hợp.
Các dòng máy monitor phổ biến được sử dụng trong y tế
Các dòng máy monitor được sử dụng phổ biến trong y tế như:
1. Máy monitor 2 thông số
Loại máy này có màn hình nhỏ, hiển thị 2 thông số sau: huyết áp không xâm lấn (NIBP) và nồng độ oxy bão hòa trong máu (SpO2).
2. Máy monitor 3 thông số
Loại này thể hiện 3 thông số trên màn hình, bao gồm: nhiệt độ cơ thể (Temp), huyết áp không xâm lấn (NIBP), nồng độ oxy bão hòa trong máu (SpO2).
3. Máy monitor 5 thông số
Máy monitor này hiển thị 5 thông số trên màn hình, bao gồm: huyết áp không xâm lấn (NIBP), nhiệt độ cơ thể (Temp), nồng độ oxy bão hòa trong máu (SpO2), chỉ số điện tim (ECG) và nhịp thở.
4. Máy monitor 6 thông số
Máy monitor này có 6 thông số trên màn hình, bao gồm: huyết áp không xâm lấn (NIBP), huyết áp xâm lấn (IBP), nồng độ oxy bão hòa trong máu (SpO2), nhiệt độ cơ thể (Temp), chỉ số điện tim (ECG) hoặc EtCO2 và nhịp thở.
5. Máy monitor 7 thông số
Máy monitor này gồm 7 thông số sau: huyết áp không xâm lấn (NIBP), nhiệt độ cơ thể (Temp), huyết áp xâm lấn (IBP) (tối đa 2 kênh), nồng độ oxy bão hòa trong máu (SpO2), chỉ số điện tim (ECG) hoặc EtCO2, nhịp thở và CO2 (mainstream và sidestream).
6. Máy monitor sản khoa
Máy monitor sản khoa được sử dụng cho sản phụ với mục đích theo dõi tim thai, tư thế, cử động, tuổi thai và các cơn gò tử cung, hỗ trợ chăm sóc sức khỏe của mẹ và bé.
Vai trò máy monitor dùng để làm gì?
Máy monitor được sử dụng chủ yếu trong bệnh viện, các địa chỉ khám chữa bệnh và tại nhà của người bệnh mắc bệnh mãn tính, có nguy cơ gặp biến chứng cao. Một số vai trò chính của máy monitor như:
- Tạo cơ sở đánh giá toàn diện sức khỏe của người bệnh;
- Theo dõi quá trình hồi phục của người bệnh sau điều trị;
- Theo dõi các dấu hiệu sinh tồn của người bệnh sau phẫu thuật để giảm nguy cơ xuất hiện biến chứng;
- Phân tích phản ứng của người bệnh với một phương pháp điều trị nhất định, sau đó điều chỉnh cách điều trị phù hợp;
- Giúp bác sĩ chẩn đoán bệnh ban đầu;
- Theo dõi nhịp tim của người bệnh khi điều trị chứng rối loạn nhịp tim;
- Hỗ trợ chăm sóc người bệnh nằm liệt giường;
- Theo dõi sóng não của người bệnh đang hôn mê;
- Máy monitor di động giúp truyền dữ liệu đến bác sĩ, từ đó chẩn đoán và ngăn ngừa các biến chứng tiếp theo.